Nhập hàng Air “eal _Air Fake
“Thà để mồ hôi rơi trên màn hình điện thoại, còn hơn là vỡ tiên lệ lúc đợi hàng tắc biên ” _ mọi người chịu khó đọc hết bài hơi dài!
Dù bạn chỉ là một con buôn chính hiệu hay bạn là một người trong ngành order lâu năm thì có lẽ cũng hiếm khi bạn được chứng kiến một vụ tắc biên có quy mô vũ trụ như vừa rồi.
Rồi anh em dân buôn thì thi nhau lên hội nhóm, lên facebook, zalo tụ họp, dù đã là đầu tháng năm mà bác thì em ngồi đây từ tháng ba, bác lại từ tháng tư em vẫn ngồi đây, anh em thi nhau tụ họp hóng hàng về mà chẳng thấy tăm đâu. Mòn mỏi, dài cổ quá quay ra đố vui cho bớt buồn. Này thì “Em đố anh giữ được đơn”, “em thách anh order luôn” …
Dân vận chuyển order thì cũng chẳng thoải mái gì. Ngày nào khách cũng giục rối giục rít, giục ngược giục xuôi. Bên nào ok thì cố ngồi check từng đơn, cập nhật hàng từng ngày để báo cho khách. Bên nào xuề xòa hơn thì rep inbox của khách cho xong, 10 khách như 1, ai cũng nhận được một câu trả lời, “khi nào hàng về em báo”. Nhưng chắc bác nào cũng có một điều ước được tắt điện thoại một ngày, cũng đứng ngồi không yên lúc nào cũng ngồi hóng hàng như hóng mẹ đi chợ về.
Nhưng cái khó mới ló cái khôn. Trong hoàn cảnh khó khăn, có 2 cách để ta đối diện với nó. Một là chấp nhận số phận, chờ hàng thông. Lót dép hóng cùng các anh em vận chuyển, ngồi yên tận hưởng quãng thời gian êm ả không bon chen này. Hai là chiến đấu, tìm ra con đường sinh tồn cho mình. Và chúng ta thấy đi hàng line Air trở nên phổ biến hơn. Line đi hàng Trung Quốc mới này không phải bây giờ mới xuất hiện. Mà thậm chí đã có từ rất lâu rồi nhưng không được mọi người quan tâm. Giờ gặp đúng thời kì tắc biên dịch vụ hàng air lên như diều gặp gió, như cá gặp nước, trở thành lối thoát hiểm cho cả những dân buôn và nhà vận chuyển.
Nhưng thực chất line Air là như nào? Bạn đã hiểu chính về ý nghĩa cũng như phương thức đi hàng này chưa? line “Air” đi hàng có nhanh không, Có đúng nghĩa như cái tên mà nó mang hay không? Để hiểu được vấn đề này mình sẽ chia sẻ qua về quy trình đi hàng qua line “Air” để các bạn hiểu rõ hơn.
Quy trình nhập hàng lane Air
Các bước chi tiết nhập hàng air về Việt Nam
- Bước 1: Nhà bán trên Taobao, 1688 hoặc Tmall giao hàng đến kho của bên vận chuyển phía Trung Quốc.
- Bước 2: Hàng tại kho Trung Quốc được bên vận chuyển làm Invoice, Packing List và Bill. Sau đó được đóng bao khoảng 30-35 kg một bao.
- Bước 3: Hàng được gửi đến bên CPN. Bên CPN tiếp nhận chứng từ, làm Manifest và tiến hành khai báo Hải Quan . Sau đó hàng được đóng cont và kéo đến Nanning(Nam Ninh) làm thủ tục hải quan.
- Bước 4: Hàng được tiến hành soi cũng như thông quan tại Nanning.
Máy soi sẽ soi từng bao, nên thường chỉ đóng bao nhỏ khoảng 30-35kg để vừa máy soi, nếu phát hiện bao nào có nghi vấn thì bao hàng sẽ bị dỡ kiểm tra và soi từng kiện. Chính vì chế độ kiểm tra gắt gao như vậy nên hàng đi qua line này được chọn lựa khá kỹ càng. Thường những mặt hàng fake, hàng điện tử, hóa chất sẽ không thể đi qua đường này.
Sau đó hàng được kẹp chì và giao lại cho bên CPN vận chuyển hàng.
- Bước 5: Hàng sau khi được thông quan bên trung quốc sẽ được kéo về Nội Bài để tiến hành thông quan.
Ở bước này hàng được soi và thông quan tương tự như bên Trung Quốc. Và Việt nam có quy định đối với hàng chuyển phát nhanh có giá trị dưới 2 triệu sẽ được miễn thuế. Nên hàng đi line này có thủ tục hải quan khá đơn giản, tiến hành giải phóng hàng nhanh.
- Bước 6: Cuối cùng sau khi thông quan, hàng sẽ được vận chuyển về kho.
- Bước 7: Nhà vận chuyển giao hàng cho người nhận
Thì các bạn có thể thấy thực tế line này không đi “Air”, và hàng hóa chỉ được thông quan tại nội bài, nên cũng dễ hiểu khi một số người nhầm lẫn giữa line TMĐT và line hàng “Air”. Và thực tế với đơn giá khá rẻ mà một số bên đang chào thì chắc chắn không phải đi hàng “Air”. Bên cạnh đó các bạn có thể căn cứ một số điểm đáng lưu ý khác để phân biệt giữa line đi Air “thật” và đi Air “giả” như khác nhau về quy định hàng hóa cấm nhập, có thuế nhập khẩu hay không, giá trị hóa đơn mua hàng.
Đây là line đi hàng ưu tiên mà các ông lớn như Lazada hay Shopee vẫn hay thường dùng để vận chuyển hàng từ nước ngoài về nên còn được gọi là line Thương mại Điện Tử.
Tại sao line này cũng đi đường bộ nhưng lại không tắc biên ?
Thì các bạn cần hiểu vấn đề đây là line ưu tiên, dành để chuyên chở hàng chuyển phát nhanh. Và khi tắc biên sẽ có hai hình thức tắc là tắc đường và tắc thông quan.
- Thứ nhất là tắc đường. Line TMĐT này thường không bị tắc, vì bên phía Trung Quốc sẽ có một làn ưu tiên dành cho các xe đặc biệt. Khi đó dù có thể xe tải khác tắc biên đứng chờ nhưng vẫn luôn có một làn dành cho xe chuyển phát nhanh này chạy. Thêm nữa những hàng hóa đi line TMĐT thì sẽ không thông quan tại các cửa khẩu như Lạng Sơn mà kéo trực tiếp về thông quan tại Nội Bài hoặc các chi cục hải quan CPN khác.
- Thứ 2 là về vấn đề tắc thông quan. Thì hàng hóa bình thường loại hình nhập kinh doanh thường có dung lượng lớn hơn rất nhiều so với hàng loại hình chuyển phát nhanh A12 này. Vì thế thường không có chuyện tắc thông quan loại hàng này bên đầu Trung Quốc. Đầu hải quan Việt Nam thì dĩ nhiên hàng đi line TMĐT, thông quan theo chi cục hải quan CPN riêng sẽ nhanh hơn so với hàng đi line thường, phải chờ thông quan tại các cửa khẩu vùng biên, với khối lượng hàng thông quan lớn, và tập chung hơn.
Đó chính là lý do một quy trình hàng về từ Quảng Châu đến Hà Nội chỉ mất khoản 48h. Còn nếu hàng có sẵn ở Nanning thì thậm chí có thể chỉ mất 24h.
Vậy, một câu hỏi đặt ra là với một line hàng đi nhanh và ổn định thế này thì nên hay không nên đi, chúng ta sẽ cùng phân tích một chút:
- Thứ nhất về giá. Thì giá đi line air này không phải quá cao, tùy vào các nhà vận chuyển. Thông thường phí vận chuyển khoảng 30-35 k/cân. Chênh lệch không quá nhiều so với đi line thường, mà thời gian hàng về lại đảm bảo. Thì mức giá như vậy là khá phù hợp để đi hàng.
- Thứ 2, về thời gian hàng về chỉ khoảng 2-3 ngày thì đúng là một con đường rất thuận tiện, nhất là trong bối cảnh tắc biên liên tục, và có thể tiếp diễn bất cứ lúc nào trong trương lai.
- Thứ 3, về dung lượng hàng hóa vận chuyển thì line hàng đi TMĐT này cũng có thể vận chuyển khối lượng hàng lớn. Nhưng nếu muốn vận chuyển một dung lượng hàng lớn qua đường CPN, bạn sẽ mất nhiều công tách, gộp, xử lý hàng, đẩy chi phí quản lý hàng đi line này lên quá cao. Và đó sẽ là bất lợi cho những lô hàng lớn, giá trị cao.
Cuối cùng về phân loại hàng hóa. Thì đi line TMĐT là một phương thức khác của vận chuyển chính ngạch và được các ông lớn về bán lẻ như Tiki và Shopee tận dụng bấy lâu nay. Quy định hàng hóa cũng tương tự như khi bạn nhập khẩu hàng chính ngạch qua đường đường biển(sea), air thông thường .Tất cả đều được thực hiện theo thông tư, quy định như một lô hàng xuất nhập khẩu thông thường.
Nhưng là hàng CPN nên thường được ưu tiên với quy định hàng hóa dưới 1 triệu thì tính là hàng dân dụng, chuyển phát nhanh, được miễn thuế. Dù được miễn thuế nhưng bạn cũng có thể hoàn toàn yên tâm về hàng hóa khi đi qua line này vì đây là quy định của nhà nước, và các bên CPN chỉ lợi dụng vào cơ chế này để chuyển hàng, hoàn toàn đúng thông tư, quy định của hải quan.
Rủi ro khi đi hàng line air
Chắc chắn có rủi ro! Nếu một line hàng bị lạm dụng quá nhiều, sẽ dẫn đến biến tướng thành một dạng khác, làm sai khác mục đích ban đầu. Có thể gây thất thu thuế cho nhà nước, và khi đó hoàn toàn có thể dẫn đến việc điều chỉnh, cải cách luật hải quan cho loại hàng CPN này. Nên tương lai sẽ có nhiều biến động và chúng ta không thể biết line này còn giữ được cái nhanh bổ rẻ này đến khi nào. Nhưng trước mắt, thì đây vẫn là một cơ hội đầy hấp dẫn để giải quyết những khó khăn tạm thời. Và tất nhiên, các mặt hàng được đi qua line này cũng không thể đa dạng được bằng đi hàng tiểu ngạch.
Vậy tóm lại bạn nên chọn line đi hàng nào là tối ưu nhất?
Câu trả lời nằm trong chính mặt hàng và chiến lược kinh doanh bạn đang triển khai. Nó phụ thuộc vào chính mặt hàng mà bạn đang bán. Không có con đường nào là hoàn hảo, mỗi phương thức đi hàng đều có ưu nhược điểm riêng, và phù hợp với từng loại hàng riêng.
Giả sử nếu bạn nhập hàng order nhỏ lẻ thì bạn có thể chọn ngay đi theo line TMĐT. Hàng đi về nhanh, đảm bảo chất lượng hơn, chi phí không chênh lệch nhau là bao. Bên cạnh đó bạn có thể tận dụng thời gian chờ hàng về nếu đi thường để tập trung bán hàng. Thử hỏi thời gian lãng phí mà bạn phải bỏ ra để chờ đợi, bạn có thể dùng để bán hàng, đẩy mạnh doanh số thì có hơn số tiền bạn tiết kiệm được như khi đi hàng line chậm hay không? Bên cạnh đó, thời gian xoay vòng vốn cũng nhanh. Nếu bạn mới bắt đầu, bạn có thể không quá quan tâm về việc xoay vòng vốn, hàng về thì bạn bán, chưa về bạn có thể đợi,.. Nhưng nếu bạn đã có một guồng công việc, một hệ bán hàng ổn định thì việc xoay vòng vốn là yếu tố cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp tới việc của công ty bạn.
Nhưng với line này , hàng hóa luôn cần được xé lẻ thành nhiều kiện nhỏ, với giá trị nhỏ hơn 2 triệu. Và đôi khi có những sản phẩm giá trị cao như điện thoại, máy tính thì chắc chắn không thể đi được.
Khi đó nếu hàng hóa bạn nhập với số lượng lớn, thì khi đó lại cần suy nghĩ lại. Nếu đi line TMĐT tuy chênh lệch giá không nhiều nhưng với một số lượng lớn hàng thì khoản phí đó cũng không thể không tính đến. Hơn nữa, để được hưởng chế độ miễn thuế hàng hóa của bạn cần phải có giá trị nhỏ hơn 2 triệu mỗi đơn hàng. Với một số lượng lớn hàng hóa thì việc tách quá nhiều đơn là một việc làm quá tốn công, tốn sức. Bạn sẽ cần mất nhiều thời gian cho xử lý hàng hơn, vậy số tiền thất thu do chậm nhập, chi phí bóc tách hàng… Chi phí xử lý khác sẽ như nào, liệu bạn có nên đánh đổi ? Đấy là còn chưa kể đến hàng hóa phức tạp, giá trị cao mà bạn không thể tách đơn, tách bill.
Tiếp đến những đơn hàng lớn hơn, khi bạn nếu đi tiểu ngạch sẽ rất khó khăn trong việc vận chuyển cũng như tách bill. Thì khi đó bạn sẽ lại phải cân nhắc phương án nhập khẩu chính hay hay tiểu ngạch. Làm thế nào để tối ưu được cả thời gian và tiền bạc cho lô hàng của mình.
Với những chia sẻ trên đây, IZORDER hi vọng bạn hiểu mình đang cần gì và nên làm thế nào. Bài viết mang tính chất tham khảo để bạn lựa chọn được loại hình vận chuyển phù hợp với công việc đặt hàng Trung Quốc bạn đang làm.